Lọc máu thẩm tách (Hemodialysis) là phương pháp điều trị thay thế thận phổ biến nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, hiện tại có khoảng trên 30.000 bệnh thận giai đoạn cuối đang điều trị bằng thận nhân tạo tại các trung tâm lọc máu trên toàn quốc. Lọc máu thẩm tách (thận nhân tạo) là chuyên khoa sâu đòi hỏi nhân lực cần được đào tạo bài bản và quy củ với yêu cầu cao và chặt chẽ về kỹ thuật và chống nhiễm khuẩn. Trong đó, công tác điều dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng và rất lớn của điều dưỡng viên chuyên ngành lọc máu trong việc cải thiện chất lượng điều trị, cải thiện tỷ lệ tử vong và hạn chế các biến chứng ở người bệnh lọc máu mạn tính.
Nhằm cập nhật, chia sẻ cho các bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng như các cơ sở y tế trong khu vực những kiến thức, kỹ thuật tiên tiến mới trong lĩnh vực lọc máu, ngày 21/12, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến phối hợp với Khoa Thận lọc máu và Tổng Công ty TNHH Thanh Phương tổ chức “Hội thảo khoa học Điều dưỡng lọc máu”.
Tham dự hội thảo, về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có TS.BS. Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện; TS.BS. Nguyễn Thế Cường – Trưởng khoa Thận lọc máu; Ths Trần Thị Hồng Thắm – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến. Đặc biệt có sự tham gia của ThS. Macabanding Jacinto Rey Car – Quản lý điều dưỡng Trung tâm Thận, Trung tâm Y tế Amai Pakpak, Cộng hòa Philippines; ông Lương Huệ Lương – Giám đốc đại diện của hãng Jafron Biomedical Việt Nam. Tham dự hội thảo còn có 170 đại biểu đại diện Lãnh đạo, các bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bệnh viện trong và ngoài khu vực Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, TS.BS. Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh:Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong số ít bệnh viện triển khai tất cả các phương pháp điều trị bệnh thận từ phương pháp lọc máu đơn giản cho đến các phương pháp phức tạp, kể cả ghép thận – phương pháp điều trị hiệu quả, mang đến hy vọng cho bệnh nhân suy thận lâu năm, bệnh viện cũng đứng đầu cả nước về số lượng ca ghép. Tuy nhiên, thực tế so với nhu cầu, số lượng người được ghép thận còn hạn chế, đó là tình trạng chung của thế giới. Vì vậy, các phương pháp lọc máu (phương pháp chạy thận nhân tạo chu kỳ, phương pháp lọc màng bụng, liệu pháp thay thế thận liên tục) và nhiều kỹ thuật khác để thay thế thận vẫn có giá trị lớn, đem lại hiệu quả điều trị tốt cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Việt Đức, cùng với số lượng người bệnh chạy thận nhân tạo và ghép thận nhiều, kinh nghiệm cũng được tích lũy dần theo thời gian, hy vọng những kiến thức, kinh nghiệm chia sẻ tại hội thảo khoa học sẽ đáp ứng được nhu cầu cập nhật những tiến bộ thận lọc máu cho các đồng nghiệp.
TS.BS. Nguyễn Thế Cường – Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, theo thống kê của Hội Lọc máu Việt Nam, năm 2022 có hơn 33.000 bệnh nhân thận lọc máu. Trong tổng số gần 100 triệu người Việt Nam, số bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính chiếm 10% dân số. Tuy nhiên, 33.000 bệnh nhân được lọc máu là con số quá thấp so với nhu cầu vì lẽ ra nhu cầu thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, năm 2010, trên toàn thế giới có khoảng 2,6 triệu người được lọc máu trong tổng số lẽ ra phải có 9,7 người triệu ngườicần lọc máu. Dự tính đến năm 2030 có khoảng 5,4 triệu người cần lọc máu trên toàn thế giới trong tổng số khoảng 14,5 triệu người bệnh cần lọc máu.
Khi cải thiện được chất lượng lọc máu sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh, người bệnh sẽ sống được lâu hơn nhưng họ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn bao gồm rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa, biến chứng đường vào mạch máu, các bệnh lý về tim mạch, các bệnh lý xương, tình trạng thiếu máu, lây nhiễm… Vì vậy, buổi hội thảo sẽ là diễn đàn để các thầy thuốc, nhân viên y tế chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành trong lọc máu; cập nhật kiến thức khoa học, góp phần bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trao đổi về các giải pháp nâng cao chất lượng lọc máu như: Theo dõi và quản lý các biến chứng mạn tính ở người bệnh lọc máu chu kỳ; Kỹ thuật lọc máu hấp thụ kết hợp thận nhân tạo: Kinh nghiệm và bài học; Cập nhật chăm sóc đường vào mạch máu của người bệnh thận nhân tạo chu kỳ. Các thắc mắc và các biện pháp khắc phục khó khăn, tối ưu hóa lọc máu chu kỳ ở bệnh nhân suy thận mạn cũng được các chuyên gia giải đáp trực tiếp tại hội thảo.