- Giới thiệu chung:
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là Bệnh viện trường Đại học, chuyên khoa Ngoại hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước; với bề dày lịch sử gần 120 năm, với đội ngũ Chuyên gia, Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành trong cả nước, Bệnh viện đã có những đóng góp đáng kể cho nền Y học nước nhà trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo và chỉ đạo tuyến.
Bệnh viện được Cục khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế công nhận là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục và cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, là nơi đặt trụ sở của Hội Ngoại khoa Việt Nam, Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam có khả năng kết hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Hội trong nhiều hoạt động đào tạo và phổ biến kiến thức, giáo dục sức khỏe. Mặt khác, tại Công văn số 4115/BYT – K2ĐT ngày 27/6/2012 của Bộ Y tế công nhận Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị đủ điều kiện tham gia công tác đào tạo liên tục và cấp mã chứng chỉ đào tạo liên tục B52 các chuyên ngành liên quan lĩnh vực Ngoại khoa, Gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh. Vì vậy, chứng chỉ đào tạo liên tục do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp có giá trị trong toàn quốc, là cơ sở để các nhà tuyển dụng lựa chọn, các đơn vị xét tuyển tham gia các chương trình học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ, Chuyên khoa I, chuyên khoa II…
Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện HN Việt Đức trải qua hơn 22 năm hình thành và phát triển, là một trong những đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bệnh viện đồng thời là một trong những đơn vị khẳng định được vị thế hàng đầu trong công tác Đào tạo, Chỉ đạo tuyến của ngành Y tế Việt Nam.
- Sự cần thiết của đào tạo y khoa liên tục
2.1. Khái niệm đào tạo y khoa liên tục:
Đào tạo y khoa liên tục (continuing medical education, viết tắt là CME) hay Phát triển nghề nghiệp liên tục (continuing professional development, viết tắt là CPD) không phải là khái niệm mới. Các hoạt động này đã được nhìn nhận và phát triển trên thế giới từ thập niên 50. Cho đến nay, CME/CPD đã được công nhận và bắt buộc tại hầu hết các nước, kể cả nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm này chỉ được chú ý trong hệ thống y tế vài năm trở lại đây.
CME/CPD là một hoạt động đặc thù và chuyên biệt nhằm giúp phát triển năng lực nghề nghiệp của nhân viên y tế với mục tiêu cuối cùng là cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. CME/CPD bao gồm tất cả các hình thức học tập mà nhân viên y tế tham gia nhằm mục tiêu cải thiện kiến thức, kỹ năng, thái độ để thực hiện tốt hơn trách nhiệm chuyên môn. Chính sự liên tục các hoạt động CME/CPD đã giúp định hình sự phát triển năng lực nghề nghiệp nhằm đáp ứng các chức năng và trách nhiệm của nhân viên y tế đối với xã hội. Do vai trò đặc biệt của CME/CPD trong chất lượng chăm sóc sức khỏe, ở đa số các nước trên thế giới, CME/CPD ngày càng được công nhận và được tổ chức hoàn thiện hơn. Theo quan điểm hiện nay, hoạt động CME/CPD tối ưu và đạt hiệu quả tốt nhất khi từng cá nhân có chương trình, phương pháp và tài liệu học tập phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển của mình. Mục tiêu nhằm liên tục cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn mà mình đảm trách. Để đáp ứng yêu cầu đó, các chương trình CME/CPD phải được tổ chức thật phong phú và hình thức, phương tiện và mức độ khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng y tế.
Để thực hiện được điều này, hệ thống y tế cần vận động nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện các hoạt động CME/CPD. Ở các nước trên thế giới, các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động CME/CPD bao gồm: các hội nghề nghiệp, trường Y và các bệnh viện có giảng dạy. Các tổ chức đào tạo này phải thể hiện vai trò năng động và đươc sự hỗ trợ của hệ thống nhà nước để tổ chức tốt các hoạt động CME/CPD nhằm đáp ứng sự phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở từng quốc gia.
Khái niệm về đào tạo liên tục theo Thông tư 22/2013/TT-BYT: Đào tạo liên tục là các khóa đào tạo ngắn hạn bao gồm đào tạo bồi dưỡng để cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhận; đào tạo lại, đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và những khoá đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác của ngành y tế mà không thuộc hệ thống bằng cấp quốc gia.
2.2. Sự cần thiết của đào tạo liên tục trong việc cấp và duy trì chứng chỉ hành nghề
Tại Luật Khám chữa bệnh năm 2009, cán bộ y tế cần đáp ứng các điều kiện và phải có chứng nhận thời gian thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề:
- 18 thángthực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sĩ;
- 12 thángthực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;
- 09 thángthực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên;
- 09 thángthực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.
Tại Thông tư số 22/2013/TT-BYT:
- Cán bộ y tế là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không thực hiện đủ nghĩa vụ đào tạo trong 2 năm liên tiếp theo qui định tại Thông tư này còn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo qui định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
- Cán bộ y tế đã được cấp chứng chỉ hành nghề có nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 48 tiết học trong 2 năm liên tiếp.
- Cán bộ y tế tham gia các hình thức đào tạo liên tục khác nhau được cộng dồn để tính thời gian đào tạo liên tục.
- Việc thực hiện nghĩa vụ đào tạo liên tục là một trong những tiêu chí để thủ trưởng đơn vị đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và quá trình phát triển nghề nghiệp của cán bộ y tế.
- Người đứng đầu cơ sở y tế có trách nhiệm tạo điều kiện để cán bộ y tế được tham gia các khóa đào tạo liên tục.
- Các chương trình đào tạo y khoa liên tục:
Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã và đang mở rộng nhiều hình thức đào tạo liên tục, linh hoạt trong từng hoàn cảnh… để đáp ứng nhu cầu của cán bộ y tế đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và học viên sau khi tốt nghiệp các trường Trung học, Cao đằng và Đại học Y trong cả nước. Đến với chúng tôi bạn sẽ được tư vấn về các chương trình học, các thủ tục phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề, mở rộng phạm vi hành nghề…
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Tầng 1 – nhà B1 – 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội.
SĐT: 02437100729 hoặc 0912.686.099 Email: tdha@tdhavietduc.edu.vn