Kỹ thuật ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiện tại bệnh viện đang theo dõi và điều trị cho trên 1500 người bệnh sau ghép thận, gần 100 người bệnh ghép gan, 35 người bệnh ghép tim và 2 người bệnh ghép phổi bằng các phác đồ phối hợp thuốc ức chế miễn dịch khác nhau để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu. Do vậy, việc lựa chọn phác đồ ức chế miễn dịch phù hợp với từng đối tượng người bệnh là rất quan trọng.
Nhằm cập nhật, chia sẻ cho các bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng như các bác sỹ trong khu vực những kiến thức mới trong sử dụng thuốc ức chế miễn dịch duy trì sau ghép tạng, vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức Hội thảo Cập nhật thuốc ức chế miễn dịch duy trì sau ghép tạng.
Đến dự Hội thảo, về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cùng các lãnh đạo khoa, phòng. Cùng đến tham dự và báo cáo tại hội thảo còn có PGS.TS.DS. Vũ Đình Hòa, Phó Giám đốc trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, Đại học Dược Hà Nội.
Về phía Công ty TNHH Astellas Pharma có bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc tiếp cận thị trường và quan hệ chính phủ.
Tại chương trình, PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã trình bày về Ghép tạng và thuốc ức chế miễn dịch cho bệnh nhân sau ghép: Nhu cầu ghép tạng, thành tựu ghép tạng thế giới và Việt Nam, vai trò của thuốc ức chế miễn dịch trong ghép tạng, các phác đồ sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong ghép tạng và kinh nghiệm sử dụng Tacrolimus tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
TS.BS Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu đã trình bày về Ghép thận và lọc máu: Góc nhìn thực tế lâm sàng và kinh tế y tế: Nhu cầu người bệnh cần điều trị thay thế thận ngày càng lớn, lọc máu và ghép thận là các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Mặc dù còn nhiều hạn chế về hiệu quả điều trị, lọc máu vẫn là biện pháp điều trị thay thế thận cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phổ biến. Hiện nay, các cơ sở lọc máu cần tiến hành áp dụng nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng điều trị cho người bệnh lọc máu. Bên cạnh đó, gánh nặng chi phí điều trị của các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối ngày càng lớn, trong đó ghép thận có ưu thế hơn về chi phí điều trị. Cần có chính sách phù hợp để tăng khả năng ghép thận của người bệnh bệnh thận giai đoạn cuối, cả ghép thận từ người hiến sống và người hiến chết não.