Ngày 22/10, Đoàn công tác Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện triển khai Đề án 1816, Dự án Bệnh viện vệ tinh năm 2020 và khảo sát nhu cầu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật năm 2021 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên (chuyên ngành Ngoại, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh…).
Trong giai đoạn 2013-2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã nhận được hỗ trợ 25 gói đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 55 học viên và 50 lượt chuyển giao kỹ thuật, giám sát nghiệm thu từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại buổi làm việc, GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá cao về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên để đảm bảo điều kiện khi tiếp nhận các gói kỹ thuật thuộc Dự án bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 cũng như định hướng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong thời gian tiếp theo.
Đặc biệt, với hệ thống trang thiết bị hội chẩn trực tuyến Telemedicine, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hội chẩn cấp cứu trực tuyến với các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Điện Biên, cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch.
Ngày 6/3/2017, lần đầu tiên, một ca cấp cứu đa chấn thương rất nặng ở Điện Biên đã được cứu sống nhờ các bác sĩ hội chẩn qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine, đó là trường hợp của cô giáo N.T. L. (37 tuổi), bị va chạm xe máy – ô tô, khiến con chị văng ra xa, còn chị L. bị bánh xe tải đè lên toàn bộ phần bụng và ngực. Tai nạn khiến chị L bị dập thành bụng, thành ngực, vỡ cơ hoành ngăn cách giữa bụng và lồng ngực, làm cho toàn bộ nội tạng dồn hết lên lồng ngực. Chị L được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong tình trạng bị sốc nặng, suy hô hấp, khó thở, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.
Vì tình trạng bệnh nhân rất nặng nên không thể đưa về Hà Nội, nên kíp phẫu thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lập tức lên đường. Trong quá trình chờ đoàn phẫu thuật từ Hà Nội lên tới Điện Biên, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các chuyên gia vẫn tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên qua hệ thống Telemedicine những biện pháp cần thiết để hồi sức tốt nhất cho bệnh nhân, đợi khi các bác sĩ đến nơi là phẫu thuật được ngay. Sau đó, ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ đã thành công như mong đợi mặc dù bệnh nhân bị đa chấn thương rất nặng.
Ngày 23/7/2018, một người bệnh dân tộc Mông chấn thương sọ não đã được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Người bệnh đã phải trải qua 3 lần ngừng tim trong quá trình cấp cứu. Khối máu tụ nằm trong não của người bệnh ở những vị trí khác nhau và khá phức tạp, nên các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã liên lạc để có được sự hỗ trợ, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Xác định đây là trường hợp người bệnh ở trong tình trạng nặng, nguy kịch, cần xử lý mổ cấp cứu ngay. Tuy nhiên, trong tình trạng điều kiện thời tiết xấu, giao thông không thuận lợi, không thể vận chuyển người bệnh về Hà Nội, phương án cử các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng được tính đến nhưng cũng không thể di chuyển kịp thời tới chi viện cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong tình huống đó. Chỉ trong vòng 30 phút, trong khi người bệnh đang được đưa vào phòng mổ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên thì tại Hà Nội, một ê kíp tham vấn cấp cứu gồm những chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh và gây mê hồi sức đã được triệu tập tại phòng Hội chẩn trực tuyến tại Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Với hệ thống y học từ xa Telemedicine đã được Bộ Y tế trang bị, đầu cầu Việt Đức sẵn sàng hỗ trợ, tham vấn chuyên môn trong khi các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đang trực tiếp thao tác phẫu thuật. Từng thao tác, diễn biến diễn ra trong cuộc mổ đều được đảm bảo truyền tải trực tiếp, liên lục và rõ nét nhất từ phòng mổ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau khoảng 2 giờ, khối máu tụ đã được lấy ra, ca phẫu thuật đã kết thúc an toàn và thành công, người bệnh đã được cứu sống kịp thời.
Ngày 4/9/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã chủ động xin hội chẩn chuyên sâu một người bệnh nữ, 14 tuổi, vào viện vì đau bụng, ngực sau tai nạn giao thông xe đạp điện – ô tô. Kết quả chẩn đoán hình ảnh, người bệnh có tổn thương gan và nhu mô phổi. Bệnh nhân đã được các chuyên gia Phẫu thuật Tim mạch – lồng ngực, Phẫu thuật gan mật của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá, tư vấn hướng điều trị. Bệnh nhân sau đó được điều trị và có sức khỏe ổn định.
Với hệ thống Telemedicine dựa trên công nghệ truyền hình tích hợp các thiết bị y tế chuyên dùng trong khám chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa đã được cứu sống kịp thời. GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hy vọng dự án Telemedicine sẽ được triển khai không chỉ ở các bệnh viện tuyến tỉnh mà còn phủ sóng rộng rãi tới các bệnh viện tuyến huyện, góp phần hoàn thiện chiến lược phát triển mạng lưới y tế quốc gia, giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao và hiện đại ngay tại địa phương, hạn chế chi phí cho người bệnh do chuyển tuyến, giảm thiểu tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trung ương.