Chuyển giao kỹ thuật “Ghép Tim từ người cho chết não”: Mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh

Gần 30 năm qua, ghép tạng ban đầu chỉ là ước mơ đối với giới y học và người bệnh Việt Nam chẳng may bị suy tạng cần điều trị thay thế. Nay điều đó đã trở thành sự thật. Với những thành tựu sau gần 30 năm thực hành ghép tạng cho thấy khả năng chuyên môn Việt Nam có thể bắt kịp ngành khoa học này, vốn có lịch sử phát triển hơn 60 năm, và Việt Nam bắt đầu chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ.

Năm 2010 là bước ngoặt phát triển của ghép tạng Việt Nam nhờ thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu về ghép tạng từ người cho chết não. Đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà, đồng thời mở ra cơ hội sống cho người bệnh.

Đơn vị dẫn đầu về ghép tạng từ người cho chết não

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị ngoại khoa đầu ngành của Bộ Y tế, với trên 70.000 ca mổ mỗi năm, trong đó hơn 70% là mổ loại I và loại đặc biệt. Từ hơn 10 năm nay, với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, bệnh viện tập trung vào phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu để ngang tầm với khu vực và thế giới, trong đó có lĩnh vực ghép tạng.

Với ưu thế mạnh về ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị dẫn đầu về ghép tạng từ người cho chết não. Cho đến nay, bệnh viện là cơ sở lớn nhất ở Việt Nam có kinh nghiệm trong việc lấy đa tạng từ người chết não để ghép cùng lúc cho nhiều người bệnh. Nhờ đó đã giải quyết được những vấn đề về chết não như: chẩn đoán chết não, hồi sức chết não để lấy tạng ghép, chỉ định lấy các tạng ghép của người bệnh chết não, các kỹ thuật lấy và bảo quản tạng ghép ở người chết não… Điều này đã giúp chúng ta thực hiện được ghép tạng mà không thể lấy từ người cho sống như ghép tim, ghép tụy, ghép phổi, ghép đa tạng… và một điều quan trọng là góp phần giải quyết được vấn đề khó khăn nhất của ghép tạng là thiếu nguồn cho tạng.

Về phẫu thuật Tim mạch, bệnh viện luôn giữ vững vai trò tuyến cuối, đáp ứng nhu cầu điều trị ngoại khoa các bệnh tim mạch phức tạp và nặng nề nhất. Ca ghép tim đầu tiên được thực hiện trên Thế Giới năm 1967. Tại Việt Nam, ca ghép tim từ người cho đa tạng thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2011đã mở ra một hướng mới điều trị người bệnh bị bệnh tim giai đoạn cuối ở Việt Nam; có thể lấy đa tạng để ghép cho nhiều người bệnh và ghép đa tạng (cùng một lúc ghép 2 tạng trên 1 người bệnh). Đây là một bằng chứng rõ ràng về sự tiến bộ vượt bậc ghép tạng ở trong nước. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên ở Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não. Lần đầu tiên ở Việt Nam và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở thành phố Hồ Chi Minh.

Từ nguồn tạng của người cho chết não, ngày 12/12/2018 dưới sự chỉ đạo của GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức,các bác sĩ đã tiến hành ca ghép 2 phổi cho bệnh nhân với ê kíp hoàn toàn là các bác sĩ Việt Nam.

Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2009-2019 đã có 57 bệnh nhân chết não hiến tạng. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ghép tim cho 25 trường hợp, ghép phổi cho 2 trường hợp, ghép gan cho 54 trường hợp và ghép thận cho 99 trường hợp.

Với những thành công đó, Bộ Y tế đã đưa ra những yêu cầu mang tính cụ thể và thực tiễn hơn đối với ghép tim, đó là: làm sao để phát triển ghép tim thành phẫu thuật thường quy tại cơ sở y tế Việt Nam, ghép tim cần thực hiện trong bối cảnh lấy – ghép đa tạng theo xu thế chung của thế giới.

Xây dựng mô hình hợp tác hình mẫu giữa các bệnh viện lớn – Cùng hội nhập và phát triển, thắp sáng ước mơ giành sự sống cho nhiều người bệnh.

Là trung tâm khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y học hàng đầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn chú trọng công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật. Trong đó, chuyển giao kỹ thuật “Ghép tim từ người cho chết não” nhằm mục đích phát triển phẫu thuật ghép tim thành phẫu thuật thường quy, có thể áp dụng ở những Trung tâm tim mạch lớn trong cả nước. Năm 2016, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chuyển giao kỹ thuật “Ghép tim từ người cho chết não” cho Bệnh viện Chợ Rẫy, giúp cho những người bệnh mắc bệnh tim tưởng chừng không thể cứu chữa được hồi sinh lại cuộc đời một cách diệu kỳ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát biểu trong lễ khai giảng “Đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép tim từ người cho chết não” tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Tiếp nối những thành công trong công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, mới đây, Bệnh viện viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục chuyển giao kỹ thuật “Ghép tim từ người cho chết não” cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Các nội dung đào tạo, chuyển giao kỹ thuật gồm có: Điều trị người bệnh suy tim; Hồi sức người bệnh nhận tim; Chẩn đoán người bệnh chết não; Hồi sức người bệnh chết não hiến đa tạng; Gây mê trong phẫu thuật lấy đa tạng; Gây mê trong phẫu thuật ghép tim; Phẫu thuật lấy tim từ người hiến đa tạng; Phẫu thuật ghép tim; Hồi sức người bệnh sau ghép tim; Điều trị, theo dõi người bệnh sau ghép tim; Chạy máy tim phổi nhân tạo trong ghép tim; Điều dưỡng chăm sóc người bệnh sau ghép tim… Việc thực hiện kỹ thuật y khoa công nghệ cao này đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều chuyên khoa, đội ngũ bác sĩ trình độ cao và cơ sở vật chất hiện đại. Trong thời gian đào tạo, các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ hỗ trợ Bệnh viện Y dược Hồ Chí Minh một cách tối đa về nhân lực và vật lực. Đây sẽ là tiền đề để hai đơn vị tiếp tục hợp tác triển khai gói kỹ thuật ngày càng hiệu quả, giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và giảm chi phí cho người bệnh.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tham gia học tập.

Sự hợp tác, chuyển giao kỹ thuật giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các bệnh viện lớn là một mô hình hợp tác hình mẫu về sự hỗ trợ giữa các bệnh viện lớn cùng hội nhập và phát triển. Đánh dấu sự khởi đầu cho lĩnh vực ghép tim tại các đơn vị, góp phần tăng cơ hội cho người bệnh chờ ghép tim tại miền Nam và cả nước. Sự thành công của việc ghép tạng mở ra triển vọng điều trị cho những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối và góp phần thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác. Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam đang mang lại cho người bệnh những hy vọng cùng cơ hội lớn vượt qua các căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các bệnh viện lớn là một mô hình hợp tác hình mẫu về sự hỗ trợ giữa các bệnh viện lớn cùng hội nhập và phát triển.

Phòng Công tác xã hội

 

Để lại bình luận

Để lại bình luận
Please enter your name here