Xây dựng mạng lưới tiếp nhận và điều trị Người bệnh tiềm năng hiến tạng sau chết não

Với mục đích cập nhật và giới thiệu tới Quý đồng nghiệp những kiến thức mới, hữu ích trong ghép tạng từ người cho chết não và tiến tới xây dựng mạng lưới tiếp nhận, điều trị người bệnh chết não, cung cấp tạng, mô cho ghép tạng, ngày 02/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức Hội thảo “Xây dựng mạng lưới tiếp nhận và điều trị người bệnh tiềm năng hiến tạng sau chết não” với các báo cáo khoa học chuyên sâu: Tình hình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tiềm năng hiến tạng sau chết não trên thế giới và định hướng tại Việt Nam; Tiêu chuẩn chẩn đoán nguyên nhân chết não; Bảo quản mô và vai trò của ngân hàng mô trong ghép tạng; Ghép tạng từ người chết não.

Đến dự hội thảo, về phía Bộ Y tế có PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có GS.TS Trần Bình Giang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện; Đại diện lãnh đạo Trung tâm điều phối quốc gia, lãnh đạo các khoa/phòng/viện/trung tâm, các bác sĩ, điều dưỡng đến từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các bệnh viện khu vực miền Bắc.

Hội thảo “Xây dựng mạng lưới tiếp nhận và điều trị người bệnh tiềm năng hiến tạng sau chết não” với những bài báo cáo khoa học chuyên sâu về ghép tạng

Hơn 20 năm qua, ghép tạng nói chung, ban đầu chỉ là ước mơ đối với giới y học và bệnh nhân Việt Nam chẳng may bị suy tạng cần điều trị thay thế. Nay điều đó đã thành hiện thực. GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Ngày 22/5/2010, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành ghép gan và thận từ người cho chết não. Đây là ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam và cũng là ca lấy đa tạng để ghép cho nhiều bệnh nhân. Thống kê cho đến nay cả nước có khoảng 70 người cho chết não hiến tạng, trong đó 55 trường hợp người cho chết não là thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hầu hết trường hợp chết não và lấy tạng đều được thực hiện ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong khi các bệnh viện tỉnh rất lúng túng về vấn đề này. Vấn đề được đặt ra là làm sao để có thể hồi sức những trường hợp nguy cơ chết não, cứu người bệnh đến mức tối đa, khi người bệnh có các dấu hiệu chắc chắn người bệnh chết não dựa trên chuyên môn và pháp luật thì người thầy thuốc phải bảo vệ được tạng để sử dụng ghép tạng cho những người bệnh đang cần nguồn tạng. Đây là 1 bài toán rất lớn. Vì vậy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mong muốn xây dựng mạng lưới của bệnh viện, tiếp nhận và điều trị người bệnh tiềm năng hiến tạng sau chết não để cứu sống nhiều bệnh nhân và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tự hào với thành tựu của nền y học Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực ghép tạng nói riêng và biểu dương những nỗ lực của các thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức -“cánh tay nối dài” của Bộ y tế, Cục quản lý khám chữa bệnh. Sự cố gắng phi thường của các thầy thuốc Việt Nam đã đưa ghép tạng Việt Nam tiếp cận với trình độ ghép tạng thế giới, thực hiện được ước mơ của bao thế hệ thầy thuốc trước đây. Nhu cầu ghép tạng là rất lớn, cần xây dựng mạng lưới thông tin, vận chuyển, tiến hành triển khai ghép tạng để mở ra cánh cửa hồi sinh cho nhiều người bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế biểu dương những nỗ lực của các thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với những thành tựu lớn về ghép tạng.

Rất nhiều câu hỏi thảo luận được đặt ra tại hội thảo

Hàng năm trên thế giới có hàng triệu người cần được ghép tạng. Tuy nhiên, cũng như các nước trên thế giới, cản trở lớn nhất của ghép tạng ở Việt Nam hiện nay là thiếu người hiến tạng, đặc biệt là người cho chết não. Mỗi ngày có hàng trăm trường hợp chấn thương các loại, đặc biệt chấn thương sọ não xin về nhà. Số người  chết não hiến tạng rất ít. Điều này do ảnh hưởng của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân. Để phát triển hơn nữa ngành ghép tạng cần phải làm tốt công tác truyền thông, tích cực tuyên truyền vận động để người dân hiểu biết và ủng hộ.

GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh vai trò của việc tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng.

Hội thảo đã cập nhật những kiến thức mới, hữu ích trong ghép tạng từ người cho chết não, tiến tới xây dựng mạng lưới tiếp nhận, điều trị người bệnh chết não, cung cấp tạng, mô cho ghép tạng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với vai trò là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt, trung tâm ngoại khoa đầu ngành của cả nước, là một trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật chuyên sâu ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh. Bệnh viện là trung tâm hàng đầu cả nước về ghép tạng với hàng nghìn ca ghép thận, hầu hết các trường hợp ghép tim, gan tại Việt Nam được thực hiện tại đây. Bệnh viện cũng là trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về ghép tạng cho các trung tâm trong cả nước: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bênh viện Chợ Rầy, Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Saintpaul, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Quốc tế Vimec…

 

Để lại bình luận

Để lại bình luận
Please enter your name here