Cập nhật các phương pháp xâm lấn tối thiểu trong điều trị u gan

U gan là biểu hiện đầu tiên và thường gặp nhất của ung thư gan – căn bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với với trên 782.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Với mục đích cập nhật phương pháp mới, tiên tiến trong điều trị u gan, trang bị kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y – bác sỹ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh, ngày 19/12/2019, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Y học hạt nhân Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức “Hội thảo khoa học các phương pháp xâm lấn tối thiểu trong điều trị u gan”.

                    Hội thảo khoa học các phương pháp xâm lấn tối thiểu trong điều trị u gan

                                  Các bác sĩ trong và ngoại viện tham gia hội thảo khoa học.

Đến dự với Hội thảo có GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện; BSCKII Vũ Hải Thanh – Trưởng khoa Chấn đoán hình ảnh; TS Lê Thanh Dũng – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh; PGS.TS Kai-Wen Huang – Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan cùng các bác sĩ trong và ngoài viện.

          GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát biểu tại hội thảo.

BSCKII Vũ Hải Thanh – Trưởng khoa Chấn đoán hình ảnh; TS Lê Thanh Dũng – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh; TS Lê Việt Khánh – Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Bình Giang cho biết: Trước đây chúng ta đã có phương pháp cắt gan và công trình nghiên cứu về ảnh hưởng chất độc màu da cam đối với bệnh lý ung thư gan của cố GS.TS Tôn Thất Tùng. Trong lĩnh vực ung thư gan chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều phương pháp, trong đó có các phương pháp điều trị tối thiểu trong điều trị ung thư gan. Sau này các kĩ thuật về xâm lấn tối thiểu càng ngày càng phát triển trong mọi lĩnh vực cũng như trong ung thư như phương pháp sử dụng sóng cao tần, năng lượng di sóng, công nghệ áp lạnh, công nghệ làm tắc mạch khối u… GS.TS Trần Bình Giang mong rằng đây sẽ là dịp để các bác sĩ có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu, vận dụng thành thạo các phương pháp tiên tiến giúp nâng cao công tác khám, chữa bệnh.

Tại hội thảo đã diễn ra nhiều bài báo cáo khoa học: Lựa chọn chỉ định đối với bệnh lý u gan, Kỹ thuật đốt u gan bằng sóng cao tần từ cơ bản đến nâng cao (PGS.TS Kai Wen Huang – Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan); Các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư gan nguyên phát (TS Lê Thanh Dũng – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức); Chia sẻ kinh nghiệm đốt u gan bằng sóng cao tần đối với một số vị trí khó (ThS Vũ Hoài Linh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

PGS.TS Kai-Wen Huang – Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan đã trình bày về Lựa chọn chỉ định với bệnh lý u gan.

PGS.TS Kai-Wen Huang – Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan đã trình bày về Lựa chọn chỉ định với bệnh lý u gan. PGS.TS Kai-Wen Huang cho biết, phần lớn người bệnh thành công khi phẫu thuật với khối u nhỏ có khả năng bảo tồn chức năng gan. Tỷ lệ sống còn của người bệnh ung thư gan giai đoạn sớm tiến hành phẫu thuật cắt gan giảm 5 năm sau phẫu thuật. Hiện tượng này được giải thích bởi sự xuất hiện ung thư gan tiên phát thứ 2. Về ghép gan trong ung thư gan: 70-90% ung thư gan kết hợp với xơ gan; bảo tồn chức năng gan kém; các khối u đa ổ thông thường; ghép gan điều trị xơ gan và ung thư.

Với phương pháp điều trị hủy u tại chỗ: Điều trị triệt căn, được sử dụng như một cầu nối cho ghép gan. Trong 20 năm qua, nhờ có sự tiến bộ đáng kể chẩn đoán sớm điều trị ung thư gan; nhóm nguy cơ cao của người bệnh này cần được thiết lập và con số người bệnh ung thư gan kích thước nhỏ đang tăng. Những hạn chế của hủy u tại chỗ như: Hiệu ứng tản nhiệt, nhiệt độ máu thông thường chỉ 37 độ C, tốc độ lưu thông máu trong gan lớn, hiệu ứng tản nhiệt dẫn tới khả năng tồn dư tế bào ác tính. Nguyên tắc của liệu pháp hủy u: Diện u bị hủy nên bao gồm ít nhất 5mm vùng mô xung quanh cho “khoảng an toàn”; Diện hủy u cần được mở rộng cho người bệnh ung thư gan với thể xâm lấn hoặc di căn nếu có mô và cấu trúc xung quanh; Chiến lược điều trị cá nhân hóa vô cùng quan trọng trong điều trị ung thư gan cạnh tim, dạ dày, ruột, túi mật và các cơ quan khác.

Chia sẻ kinh nghiệm đốt u gan bằng sóng cao tần đối với một số vị trí khó – ThS Vũ Hoài Linh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: Đốt sóng cao tần (RFA) là phương pháp an toàn, rất ít biến chứng nặng hoặc tử vong. Những biến chứng thường gặp: Chảy máu trong ổ bụng; Áp xe gan, nhồi máu gan; Tràn khí tràn dịch màng phổi; Rò mật phế quản, viêm phúc mạc mật, biloma; huyết khối tĩnh mạch gan, tĩnh mạch cửa; bỏng da; di căn u theo đường chọc, thủng dạ dày, ruột non, đại tràng, cơ hoành, túi mật. Các kỹ thuật bổ trợ là bơm dịch ổ bụng, bơm dịch màng phổi, RFA trong mổ, nút tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan….

Cách xử lý biến chứng đối với chảy máu trong ổ bụng từ vị trí chọc ở bề mặt gan là đốt điểm chảy máu. Nhiều dịch ổ bụng ảnh hưởng chức năng gan do làm giảm dòng chảy của tĩnh mạch cửa, nhất là ở những bệnh nhân xơ gan Child – Pugh B. Đa số dịch ổ bụng sẽ tự hấp thu sau 1 tuần, một số trường hợp cần sử dụng thuốc lợi tiểu. Nhiễm trùng dịch ổ bụng: đảm bảo vấn đề vô khuẩn trong quá trình làm thủ thuật, dùng kháng sinh dự phòng. Ngoài ra, còn một số biến chứng khác ít gặp như: tràn dịch – tràn khí màng phổi, thủng ống tiêu hóa, thủng cơ hoành ….

Tại buổi hội thảo cũng diễn ra truyền hình trực tiếp đốt u gan bằng sóng cao tần từ phòng can thiệp mạch xuống trung tâm và thực hành trên thiết bị đốt u gan bằng sóng cao tần.

                            Buổi thực hành trên thiết bị đốt u gan bằng sóng cao tần.

                                  Buổi thực hành trên thiết bị đốt u gan bằng sóng cao tần.

 

                   Hội thảo mang lại nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích đã diễn ra thành công.

Phòng Công tác xã hội

Để lại bình luận

Để lại bình luận
Please enter your name here