Bộ Y tế khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa Khám chữa bệnh từ xa: Nhiều bệnh nhi được hưởng lợi Đẩy mạnh hình thức tư vấn khám, chữa bệnh từ xa |
Nhiều bệnh nhân được hưởng lợi
Hiện các bệnh viện từ Trung ương tới địa phương đã ứng dụng triển khai khám bệnh thông qua hệ thống công nghệ thông tin như “telehealth” hay “telemedicine”, được hiểu là khám chữa bệnh từ xa.
Nhờ áp dụng khám chữa bệnh từ xa giúp giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí và đặc biệt chữa trị kịp thời đối với những ca bệnh nặng, hạn chế về thời gian và không gian. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động khám, chữa bệnh từ xa càng trở nên cần thiết và được đánh giá cao.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D |
Điển hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối trong hệ thống khám chữa bệnh, luôn đi đầu trong hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nhằm nâng cao năng lực ngoại khoa cấp cứu và chấn thương, xây dựng mô hình thí điểm các trung tâm, bệnh viện vệ tinh tuyến dưới nhằm góp phần giảm tải cho Bệnh viện hạt nhân tuyến trên. Từ ngày thực hiện khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều buổi truyền hình trực tuyến, cứu sống nhiều người bệnh trong tình trạng nguy kịch khi có yêu cầu giúp đỡ từ các bệnh viện tuyến dưới như: Ca bệnh vỡ tim do tai nạn giao thông và ca vỡ kén khí tại Quảng Ninh…
Đặc biệt như trường hợp của người bệnh T.V.C, 32 tuổi (Bình Liêu, Quảng Ninh) được phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi. Sau nhiều lần dẫn lưu màng phổi và phẫu thuật gỡ dính, bơm rửa khoang màng phổi nhưng không hiệu quả. Đội ngũ chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quyết định hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp qua hệ thống telemedicine cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiến hành phẫu thuật nội soi cho người bệnh.
Được tiến hành kịp thời với phương pháp nội soi lồng ngực xử trí tổn thương, phát hiện tổn thương vỡ kén khí thùy trên phổi phải, gây dính màng phổi, sau đó tiến hành rửa màng phổi bằng betadine đậm đặc và đặt dẫn lưu khoang màng phổi gỡ dính, tình trạng của người bệnh đã ổn định và chuyển hậu phẫu.
Bằng sự nhạy bén và linh hoạt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từng bước khẳng định những tính năng vượt trội, cũng như hiệu quả của việc tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, dựa trên nền tảng hệ thống telemedicine của Bệnh viện đã được vận hành từ năm 2004, ngày 4/9/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khai trương Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Cũng tại sự kiện, lần đầu tiên, một bệnh viện của Việt Nam tổ chức tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D.
Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, nền tảng telehealth đã kết nối hơn 30 bệnh viện Trung ương với hơn 1.600 cơ sở y tế tuyến dưới, bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đến nay, đã có 1.600 hồ sơ, 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức và được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. |
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Ngay từ năm 2005, Bệnh viện đã ứng dụng việc khám chữa bệnh từ xa. Trước đây, chúng tôi thực hiện những buổi hội chẩn cùng các bạn đồng nghiệp ở các bệnh viện tỉnh qua hệ thống mạng truyền dẫn, cáp quang. Tiến thêm một bước nữa, thực hiện các buổi hội chẩn, tư vấn, phẫu thuật từ xa với việc sử dụng các hệ thống như: Hệ thống camera, hệ thống hình ảnh trong phẫu thuật nội soi… để các chuyên gia từ Bệnh viện có thể hỗ trợ các bạn đồng nghiệp tại các bệnh viện tỉnh mổ những trường hợp rất khó mà bình thường không thể thực hiện ở bệnh viện tỉnh được, cũng như không thể chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đồng thời, các hình thức đào tạo, hội thảo trong nước cũng như quốc tế, chúng ta có thể thực hiện qua những nền tảng của các hệ thống hội nghị truyền hình hiệu quả”.
Cho đến nay, hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 10/2021, đã có 76 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tham gia kết nối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện đã tổ chức được 127 buổi tư vấn, hội chẩn trực tuyến cho bác sĩ và điều dưỡng… Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu: Tăng cường các buổi hội chẩn chuyên sâu, đa chuyên khoa, truyền hình trực tuyến cấp cứu và mở rộng mạng lưới kết nối tới các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện.
Không chỉ tại Trung ương, mà nhiều địa phương trong cả nước đều đẩy mạnh việc khám chữa bệnh từ xa, giúp nhiều người dân được hưởng lợi. Ngay tại Hà Nội, nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa hiệu quả. Trong đó, việc Bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành sản phụ khoa được đánh giá là giải pháp quan trọng giúp chăm sóc sức khỏe mẹ và bé tiện lợi.
Đánh giá về hoạt động này của Bệnh viện, chị Đ.T.T (Hà Nội) cho biết: “Tôi đang mang thai tuần thứ 35, trước tình hình dịch Covid-19 tôi rất ngại đến bệnh viện hay các phòng khám tư để khám thai. May mắn nhờ dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tôi thấy rất tiện lợi và an tâm. Các bác sĩ tư vấn rất tận tình về những dấu hiệu thai kỳ cũng như các thủ tục hồ sơ trước sinh và sau sinh… Tôi thấy đây là dịch vụ mới rất hữu ích, giúp người dân tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, trong lúc ở nhà hay ở cơ quan có dấu hiệu bất thường có thể gọi bác sĩ ngay để xử trí kịp thời”.
Xóa khoảng cách giữa các tuyến điều trị
Theo các chuyên gia y tế, khám chữa bệnh từ xa mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân, đội ngũ nhân viên y tế và là vũ khí đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Đức Tú, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: “Đối với việc triển khai tư vấn, khám chữa bệnh từ xa là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của Bệnh viện mà còn là của cả ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay. Đây là bước đột phá trong lĩnh vực y tế, đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, teleheath giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao nhẳm giảm bớt chi phí điều trị, đi lại, cũng như giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin với người bệnh”.
Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. |
Kể từ ngày 6/8/2021, nền tảng khám chữa bệnh từ xa được kết nối tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước, góp phần xóa bỏ giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.
Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch. Trong đó, nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa telehealth đã và đang phát huy hiệu quả khi cho phép hội chẩn từ xa cho các ca bệnh khó, đặc biệt là các ca bệnh Covid-19 đang chuyển biến nặng. Trong cuộc chiến chống Covid-19, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội được Bộ Y tế điều động xây dựng bệnh viện dã chiến, hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại “tâm dịch” thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. Nhờ việc kết nối, khám chữa bệnh từ xa, việc quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19 đã đạt nhiều hiệu quả.
Theo Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phát triển Trung tâm khám chữa bệnh từ xa là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nó sẽ mang lại lợi ích cũng như tiện lợi cho việc khám chữa bệnh không chỉ tại Bệnh viện Việt Đức, mà còn giúp bệnh viện của các địa phương có thể tiếp cận với những kỹ thuật cũng như những kiến thức mới trong y học để giúp cho việc điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. |
Đơn cử như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng là một trong những đơn vị đã được Bộ Y tế giao hỗ trợ chỉ đạo tuyến tại 2 quận Bình Chánh và Bình Tân, kết nối trực tuyến với 8 bệnh viện để hỗ trợ điều trị từ xa và tiếp nhận người bệnh Covid- 19 nặng. Theo đó, Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 của Bệnh viện cũng đã được thiết lập tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với đội ngũ y, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị máy móc tốt nhất. Hàng ngày, Giám đốc Bệnh viện đều thực hiện giao ban trực tuyến cùng với các bác sĩ trực tiếp làm việc tại bệnh viện dã chiến thành phố Hồ Chí Minh…
Không chỉ hỗ trợ trực tiếp tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, mà thông qua sự kết nối công nghệ thông tin, các nhân viên y tế đã linh động nhiều cách để hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh cho người dân trong dịch Covid-19. Trong đó, không thể không kể đến hoạt động của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19. Là một trong những tình nguyện viên của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Phổi Trung ương, suốt nhiều tháng qua đã chống dịch từ xa bằng cách tư vấn, điều trị giúp hàng trăm F0 mỗi ngày qua điện thoại.
Bác sĩ Tuấn Anh được phân công là bác sĩ tư vấn cho khu vực 764 (khu vực hỗ trợ chính cho quận Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh). Đến khi tình hình dịch ở Gò Vấp tương đối ổn, bác sĩ Tuấn Anh lại được phân công hỗ trợ các quận khác như: Bình Tân, Tân Phú, thành phố Thủ Đức,… Theo lời bác sĩ Tuấn Anh, đối tượng chính của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” là tập trung giúp đỡ bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, trường hợp xác định chưa kịp đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế….
Chia sẻ về công việc khi tham gia tư vấn trong mạng lưới bác sĩ Tuấn Anh cho biết, trong tháng 9/2021 là thời kì đỉnh dịch của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Đa số nhân viên y tế trong mạng lưới phải đi chống dịch, vậy nên số người còn lại cần chăm sóc số lượng bệnh nhân rất lớn. “Cao điểm nhất là có ngày tôi gọi thành công đến 110 cuộc gọi tư vấn cho bệnh nhân Covid-19. Có những cuộc gọi tư vấn cân não đến nghẹt thở, có những cuộc gọi được thực hiện vào lúc nửa đêm. Với mỗi cuộc gọi tôi đều cố gắng lắng nghe và đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho người bệnh”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ…
Như vậy, bằng cách ứng dụng công nghệ, giải pháp khám chữa bệnh từ xa đã xóa đi rào cản về địa lý, tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn; đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số hóa ngành Y, hướng tới mục tiêu “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”. Bên cạnh đó, việc mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.