Bệnh loãng xương ngày càng được quan tâm bởi các Y bác sĩ bao gồm cả chuyên ngành Nội khoa và Ngoại khoa Cơ xương khớp. Chăm sóc và điều trị bệnh lý loãng xương đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là sau phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng.
Nhằm tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật các kiến thức mới, đáp ứng nhu cầu của các bác sỹ chuyên ngành Cơ xương khớp. Ngày 11/9, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến phối hợp với Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức Hội thảo Điều trị bệnh loãng xương sau phẫu thuật gãy xương do loãng.
Chủ trì buổi hội thảo, GS. TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Những biến chứng sau gãy xương làm cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng. Để giảm thiểu tối đa các biến chứng, điều trị loãng xương cho bệnh nhân gãy xương cần thực hiện sớm ngay sau khi gãy xương, đồng thời kết hợp các biện pháp thay thế khớp, giúp phục hồi chức năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Lê Bảo Tiến – Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình đã cung cấp thông tin qua chủ đề “Tổng quan dịch tễ học loãng xương, mô hình tiếp cận đa chuyên khoa điều trị loãng xương sau phẫu thuật”. Ngay sau đó, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình cũng đã trình bày chủ đề “Điều trị bệnh loãng xương sau phẫu thuật gãy xương do loãng”.
Loãng xương là một căn bệnh tiến triển âm thầm, hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt cho đến khi xuất hiện biến chứng gãy xương, biến dạng cột sống, tàn phế về thể chất, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Đặc biệt, với người già, khi bị gãy xương thì khả năng phục hồi chậm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Để phòng tránh gãy xương cần có những biện pháp thiết thực như: Tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra như ngã, vấp té; lao động, vận động ở tư thế đúng; kiểm soát tốt cân nặng để tránh làm gia tăng áp lực lên hệ cơ xương khớp khiến xương ngày càng yếu đi; luyện tập thể dục mỗi ngày để cải thiện sức khỏe và giúp xương khớp được cứng chắc hơn; có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và vitamin C. Bên cạnh đó, người dân cũng nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề về xương khớp.