Vận hành, đánh giá hệ thống hỗ trợ y học từ xa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Ngày 18/6/2021, Trung tâm Đào tạo & Chỉ đạo tuyến cùng ban Quản lý Dự án – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhà thầu phối hợp với 6 bệnh viện thụ hưởng tại 02 tỉnh Yên Bái và Thanh Hoá, đã tổ chức buổi vận hành và đánh giá hệ thống Hỗ trợ y học từ xa (Telemedicine) thuộc dự án Hỗ trợ y học từ xa tại Bệnh viện Việt Đức với một số bệnh viện tuyến tỉnh sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức. Ngoài các điểm cầu phía Việt Nam, phía đầu cầu Đức có sự tham gia của nhà tài trợ KFW và tư vấn quốc tế GOPA.

Toàn cảnh chương trình Vận hành và đánh giá hệ thống hỗ trợ y học từ xa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Dự án Hỗ trợ y học từ xa tại Bệnh viện Việt Đức với một số bệnh viện tuyến tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bắt đầu đi vào thực hiện từ năm 2015. Hệ thống đã hoàn thành công tác lắp đặt và được nghiệm thu vào tháng 12 năm 2020, sau đó chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2021 với mục đích vô cùng nhân văn là đưa hệ thống y tế hiện đại tới gần hơn những người dân tại vùng sâu, vùng xa không có điều kiện để khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, với hệ thống Telemedicine, việc đào tạo và chuyển giao các kĩ thuật từ xa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Qua đó, có thể nâng cao trình độ chuyên môn của các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến dưới và giúp giảm bớt khả năng quá tải người bệnh tại những bệnh viện lớn. Chính những mục đích to lớn, đầy tính nhân văn này mà dự án đã nhận được sự tài trợ từ Chính phủ Đức để sớm đưa hệ thống vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển nền y học của Việt Nam.

Theo kế hoạch dự kiến, khi hệ thống hoàn thiện lắp đặt đưa vào đưa vào sử dụng, đơn vị Tư vấn quốc tế GOPA và nhà tài trợ KfW sẽ có buổi tham quan để đánh giá vận hành của toàn bộ hệ thống tại Việt Nam. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, trong đó có Việt Nam hiện vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp làm gián đoạn những kế hoạch đã đề ra. Để đảm bảo dự án vẫn tiếp tục được triển khai, giúp cho các tỉnh hưởng thụ được sử dụng hệ thống Telemedicine, trên cơ sở đề xuất của nhà tài trợ dự án, Bệnh viện HN Việt Đức phối hợp với 06 bệnh viện thụ hưởng tại 02 tỉnh Yên Bái, Thanh Hoá đã tổ chức buổi vận hành và đánh giá trực tuyến vào ngày 18 tháng 6 năm 2021. Công tác chuẩn bị từ trước đó 1 tuần được diễn ra vô cùng kĩ lưỡng để chuẩn bị tốt nhất cho buổi vận hành.

Buổi vận hành diễn ra với sự tham dự của các Lãnh đạo của các bệnh viện, đơn vị trực thuộc, Tư vấn dự án và nhà tài trợ – KfW, Liên danh nhà thầu. Thông qua buổi vận hành này, phía nhà tài trợ – KfW đã có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động của hệ thống, đặc biệt trong công tác khám, chữa bệnh từ xa giữa các bệnh viện tuyến trên và các cơ sở y tế tuyến dưới. Trả lời câu hỏi của ông Matthias Nactnabel – Tư vấn y tế (KfW) về ý nghĩa và sự quan tâm của chính phủ cũng như tính khả thi và bền vững của dự án, PGS. TS. Nguyễn Đức Chính – thay mặt Ban quản lý Dự án, Bệnh viện HN Việt Đức, cho biết thực tế hệ thống Telemedicine với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt nam đã được thiết lập, vận hành và ngày càng mở rộng. Với hệ thống hiện có Bệnh viện Việt Đức đã kết nối với 23 các tỉnh thành phía Bắc triển khai hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đào tạo trực tuyến. Việc đưa vào sử dụng hệ thống Telemedicine mới này bằng nguồn ODA của Chính phủ Đức giúp tăng cường hơn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Việt Đức với các bệnh viện địa phương bằng thiết bị công nghệ hiện đại, sẽ phát huy tối đa để hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới khi có nhu cầu hỗ trợ. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các hoạt động trực tuyến diễn ra phổ biến hơn bao giờ hết, qua đó càng chứng minh được tầm quan trọng của hệ thống Telemedicine.

PGS. TS. Nguyễn Đức Chính – thay mặt Ban quản lý Dự án, Bệnh viện HN Việt Đức, cho biết thực tế hệ thống Telemedicine với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt nam đã được thiết lập, vận hành và ngày càng mở rộng.

Cũng trong buổi đánh giá vận hành hệ thống, đại diện nhà tài trợ – KfW, bà Laura Scherle – phụ trách Dự án khu vực châu Á (KfW) đã đặt ra những câu hỏi với các đơn vị tham gia thực hiện dự án để hiểu rõ hơn về các khía cạnh hoạt động cũng như ý nghĩa của hệ thống Telemedicine hỗ hợ chuyên môn tuyến dưới qua theo dõi thảo luận hai 2 trường hợp của bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá và Yên Bái trình bày trực tuyến do PGS.TS Nguyễn Đức Tiến, cố vấn Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến điều hành. Phía nhà tài trợ – KfW cũng quan tâm khả năng tiếp cận tư vấn chuyên môn, quá trình triển khai trong công tác chuyên môn hàng ngày đặc biệt những ca cấp cứu…, nhân sự chuyên môn, vận hành trang thiết bị.

Đại diện nhà tài trợ – KfW, bà Laura Scherle – phụ trách Dự án khu vực châu Á (KfW) đã đặt ra những câu hỏi với các đơn vị tham gia thực hiện dự án để hiểu rõ hơn về các khía cạnh hoạt động cũng như ý nghĩa của hệ thống Telemedicine hỗ hợ chuyên môn tuyến dưới.

Kết thúc buổi làm việc trực tuyến thành công tốt đẹp, phía nhà tài trợ – KfW cùng với đơn vị Tư vấn quốc tế đánh giá cao sự phối hợp Bệnh viện Việt Đức cùng các bệnh viện tại 02 tỉnh. Phía nhà tài trợ – KfW cũng như Tư vấn quốc tế mong muốn hệ thống Telemedicine thực hiện nhiều chức năng một cách đồng bộ, hạn chế tối đa những lỗi liên quan đến kĩ thuật trong quá trình đưa vào sử dụng để phục vụ công tác tư vấn khám và điều trị bệnh từ xa cũng như đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc y tế tại Việt Nam, đặc biệt với các tỉnh và các địa phương vùng xa, miền núi.

Để lại bình luận

Để lại bình luận
Please enter your name here